Thập kỷ của Liên hợp quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững

Ngày 5 tháng 12 năm 2017, Liên hợp quốc đã tuyên bố Thập kỷ về Khoa học biển vì sự phát triển bền vững (sau đây gọi tắt là Thập kỷ) là giai đoạn 2021 – 2030 nhằm huy động cộng đồng khoa học, các nhà hoạch định chính sách, giới kinh doanh và xã hội dân sự tham gia vào một chương trình phối hợp nghiên cứu và đổi mới công nghệ.

Dòng chảy biển ở Đại Tây Dương - Nguồn: NASA/Goddard Space Flight

Việc công bố về thập kỷ này xuất phát từ những nỗ lực của Ủy ban liên Chính phủ về hải dương học IOC thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khoa học biển nhằm điều phối tốt hơn các chương trình nghiên cứu khoa học, các hệ thống quan trắc, việc tăng cường năng lực, hoạt động quy hoạch không gian biển và giảm thiểu rủi ro hàng hải. Từ đó, cải thiện việc quản lý các nguồn tài nguyên biển và vùng bờ cũng như hỗ trợ các quốc gia trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG 14) - Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và tài nguyên biển để phát triển bền vững.

Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO hoan nghênh tuyên bố này và kêu gọi tất cả các bên liên quan tham gia vào nỗ lực hợp tác khoa học của UNESCO.  “Biển và đại dương chiếm 71% diện tích toàn cầu và chúng ta mới chỉ khám phá dưới 5%. Thập kỷ về Khoa học biển vì sự phát triển bền vững (2021 – 2030) sẽ đảm bảo sự phối hợp nghiên cứu tốt hơn. IOC của UNESCO tự hào là người đi đầu trong nỗ lực này”, bà nhấn mạnh.

Trong giai đoạn chuẩn bị cho Thập kỷ sẽ đề xuất các mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu cần đạt được vào năm 2030 thông qua việc tham vấn rộng rãi với tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình kêu gọi Liên hợp quốc tuyên bố về Thập kỷ này, IOC đã đề xuất các mục tiêu ban đầu sau đây:

- Tăng cường sử dụng bền vững tài nguyên biển, trong đó tập trung vào việc kiểm kê các nguồn tài nguyên biển và các dịch vụ hệ sinh thái; hiểu biết sâu hơn, định lượng được các vùng địa sinh học biển và vai trò tiềm năng của các khu bảo tồn biển;

- Mở rộng việc sử dụng kiến thức về các điều kiện của biển, bao gồm quản lý dữ liệu, thu thập dữ liệu, việc mô hình hóa, dự báo năng suất lương thực từ biển và đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng;

- Hỗ trợ phát triển kinh tế biển bao gồm các phân tích về lợi ích kinh tế và xã hội từ việc sử dụng bền vững tài nguyên biển và quản lý dựa trên cơ sở khoa học;

- Quản lý một cách bền vững các hệ sinh thái vùng bờ, bao gồm khả năng phục hồi của hệ sinh thái và quy hoạch không gian biển để giảm thiểu tác động của mực nước biển dâng, các sự kiện thời tiết cực đoan, lũ lụt và xói sạt lở, cải thiện, cập nhật các giá trị tham chiếu cơ sở (baseline) về điều kiện môi trường và nhận thức của công chúng;

- Tăng sự hiểu biết khoa học về tác động của các tác nhân gây tương tác tích như sự ấm lên toàn cầu, quá trình axit hóa đại dương và phá hủy môi trường sống;

- Đạt được việc quan trắc tích hợp và chia sẻ dữ liệu, bao gồm việc sử dụng vệ tinh, các hệ thống quan trắc cố định và di động, tất cả đều cung cấp thông tin cho việc quản lý dữ liệu chung và Hệ thống Quan trắc đại dương toàn cầu (Global Ocean Observing System - GOOS).

Nghiên cứu đa dạng sinh học vùng rạn san hô – Nguồn: Viện Nghiên cứu hải sản; Website: http://www.rimf.org.vn/gallery/chitiet/hinh-anh-hoat-đong.

Xuất phát từ quan điểm “Chúng ta sẽ không quản lý được những gì mà chúng ta không đo đạc được”, Thập kỷ Khoa học biển 2021 – 2013 hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy, cải thiện công tác quản lý biển. Ví dụ, đối với việc quản lý và thích nghi ở khu vực vùng bờ, thông qua các hoạt động trong thập kỷ này sẽ tạo ra được các dữ liệu và tri thức hoàn thiện hơn về quy hoạch không gian biển và các khu vực bảo tồn biển; đối với nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực biển là việc phát triển, nâng cao năng lực cho khu vực và quốc gia cũng như có được dữ liệu và tri thức tốt hơn về công tác cảnh báo sớm các hiểm họa thiên nhiên có nguồn gốc biển…

Tuyên bố về Thập kỷ Khoa học biển vì sự phát triển bền vững của Đại hội đồng Liên hợp quốc đánh dấu bước khởi đầu của một quá trình tham vấn với tất cả các bên liên quan đến biển và đại dương, do IOC phối hợp, để chuẩn bị một Kế hoạch thực hiện Thập kỷ này.

Trong vai trò là cơ quan điều phối, IOC đã kêu gọi sự phối hợp của tất cả các bên có liên quan từ các nhà ra quyết định, các nhà quản lý biển, các nhà khoa học, giáo dục, các tổ chức xã hội dân sự, khối tư nhân…tham gia, phối hợp với IOC xây dựng Kế hoạch thực hiện Thập kỷ trình Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua.

VISI tổng hợp từ Website của UNESCO (https://en.unesco.org/)

  • 10/23/2020 2:46:13 AM